Phân bón NPK là loại phân được nhiều người sử dụng bởi trong phân có chứa đến 3 thành phần dinh dưỡng tốt cho các loại cây trồng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc các loại cây, tình trạng cây bị ngộ độc phân bón là mối lo ngại của rất nhiều bà con. Vậy bạn nắm được cách nhận biết dấu hiệu của cây bị ngộ độc NPK hay chưa? Cách khắc phục thế nào để không ảnh hưởng đến cây trồng?
Hãy cùng Đồng Thành Công tìm hiểu chi tiết về dấu hiệu cũng như cách xử lý khi cây bị ngộ độc NPK để việc trồng cây được hiệu quả nhất nhé.
Phân bón NPK là gì?
NPK là một dạng phân bón, cung cấp cho cây trồng những dinh dưỡng cần thiết nhất. Loại phân bón này là dạng hỗn hợp có chứa 3 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng đó là N, P, K (Nito – Photpho – Kali). Chúng bổ sung và thúc đẩy sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng nhanh chóng và cho hiệu quả năng suất cao hơn.
Hiện nay, trên thị trường các công ty thường giới thiệu 2 loại phân NPK đó là phân phức hợp hoặc phân dạng trộn. Trong đó, dòng phân phức hợp được sản xuất từ phản ứng hóa học của các nguyên liệu, thành tố ban đầu, còn phân trộn là dạng phân trộn cơ học các thành tố N – P – K với nhau.
Những dấu hiệu cây bị ngộ độc NPK bạn nên biết
Cây bị ngộ độc NPK được chia thành 3 dạng với những dấu hiệu cũng như mức độ ảnh hưởng khác nhau. Bà con cần quan sát kỹ các dấu hiệu của cây bị ngộ độc NPK để xác định nguyên nhân chính xác và đưa ra biện pháp chữa trị kịp thời.
+ Ngộ độc do cháy phân
Đây là tình trạng ngộ độc cục bộ do lượng phân bón phân tán không đều, khi tiếp xúc trực tiếp với một bộ phận của cây sẽ gây nên tình trạng héo úa, cháy sém. Với cùng liều lượng phân như trên, nếu được phân bố đều thì hoàn toàn không gây nên tình trạng ngộ độc NPK nhé. Tình trạng này xuất hiện ở:
Cháy rễ
Khi đất ngập úng, rễ non sẽ phát triển trên bề mặt đất dể lấy khí oxy. Khi nước rút, rễ cây chưa kịp di chuyển xuống dưới mặt đất mà bà con lại sử dụng phân bón dạng rắn rải trên mặt đất thì có thể khiến rễ non bị cháy. Dấu hiệu cây bị ngộ độc NPK này là cây héo rũ vào buổi trưa và tươi tỉnh trở lại vào buổi chiều.
Cháy lá
Sử dụng các loại phân bón lá không hòa tan theo cách là dung dịch bón lá có nồng độ cao hoặc những lá sát gốc, tiếp xúc trực tiếp với phân bón khi bà con tưới phân ở gốc. Phân bón tiếp xúc với lá khiến cho lá khô, cháy sém, chuyển sang màu vàng nâu.
+ Ngộ độc bởi sự mất cân bằng dinh dưỡng
Nhu cầu dinh dưỡng của cây đối với phân đạm, phân lân, kali là rất lớn, cho nên việc thừa các nguyên tố dinh dưỡng cũng chưa dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính nhưng sẽ ức chế khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng khác của cây trồng. Biểu hiện của việc thiếu một số chất dinh dưỡng cũng có thể là dấu hiệu của thừa phân NPK.
Cây bị ngộ độc kali gây ức chế khả năng hấp thu canxi, magie nên thừa kali thường có biểu hiện thiếu canxi, magie.
Thừa urê gây ức chế việc hấp thu kẽm nên cây sẽ xuất hiện biểu hiện của việc thiếu kẽm khi thừa ure.
Bón nhiều phân lân không ngộ độc cấp tính, nhưng có thể gây nên tình trạng thiếu sắt, kẽm. Nên tình trạng thiếu 2 chất dinh dưỡng này cũng là một dạng cây bị ngộ độc NPK.
+ Ngộ độc cấp tính
Là trường hợp cây hấp thụ lượng phân NPK vượt quá nhu cầu và ngưỡng chịu đựng của cây.
Cây bị ngộ độc đạm khiến cho phần lá có màu xanh đậm bất thường, chóp lá hơi cong xuống, thân cao, yếu và cây chậm phát triển.
Chóp hoặc bìa lá xuất hiện những vết đốm đen. Khi cây ngộ độc thường có xu hướng nhìn thấy các chất dư thừa trên lá, đọng ở chóp lá và tạo nên các đốm đen. Nếu độc tính không được xử lý kịp thời, phần lá sẽ chuyển sang màu nâu hoặc vàng và rụng.
Những cách xử lý nhanh chóng khi cây bị ngộ độc NPK
Khi cây bị ngộ độc phân bón, việc làm đầu tiên mà bà con cần làm là dừng ngay việc bón phân. Sau đó, bà con dựa trên những biểu hiện ngộ độc của cây để xem cây bị ngộ độc dưới dạng nào là do mất cân bằng dinh dưỡng, cháy phân hay ngộ độc cấp tính… Dựa trên các nguyên nhân cây bị ngộ độc NPK để đưa ra phương án xử lý phù hợp nhé.
+ Ngộ độc do cháy phân
Bà con có thể dùng nước để rửa trôi bớt lượng phân dư thừa, tồn đọng trên gốc cây, đặc biệt là khu vực bị cháy rễ. Với cây mọc dưới nước thì việc thay nước là giải pháp cần làm ngay lúc này. Với cây trồng cạn thì tưới nước sẽ giúp cho phân bị loãng ra và di chuyển xuống tầng đất phía dưới. Nếu lá bị cháy phân thì bạn nên tiến hành cắt bỏ những lá bị hư, cháy do ngộ độc.
+ Ngộ độc do tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng
Trong trường hợp này, nhà nông chỉ cần bón phân cân đối dinh dưỡng hoặc sử dụng các loại phân hỗn hợp, được pha sẵn theo nhu cầu của cây trồng. Điều này sẽ giúp xử lý triệt để tình trạng cây bị ngộ độc NPK.
+ Ngộ độc cấp tính
Với nguyên nhân này, bà con có thể sử dụng các sản phẩm có công dụng giải độc và gia tăng sức khỏe cho cây trồng như: Compound Nitrophenolate, Brassinolide, Vitamin B1, Auxin Diethyl Aminoethyl Hexanoate (Cytokinin DA6)… Bổ sung phân hữu cơ cũng có tác dụng làm giảm độc tính của việc dư thừa phân bón, bởi loại phân hữu cơ sẽ làm cho hệ đệm hoạt động được hiệu quả hơn.
Hướng dẫn cách bón phân NPK hiệu quả để tránh ngộ độc
Việc bón phân sai cách cũng là một trong những nguyên nhân cây bị ngộ độc NPK, đặc biệt là hiện tượng cháy phân ở lá và rễ cây. Vì thế khi canh tác, bà con nên đảm bảo việc bón phân đúng cách nhé. Tiến hành hòa tan phân bón theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất để rễ cây hấp thụ dễ dàng hơn. Cách này cũng giúp giải quyết vấn đề phân bón tập trung cục bộ tại một vùng rễ.
Ngoài ra, bà con cũng cần đảm bảo việc sử dụng đúng liều lượng phân so với nhu cầu của cây trồng. Trong mỗi giai đoạn của quá trình sinh trưởng, cây cầy các yếu tố N – P – K khác nhau. Việc cung cấp quá liều chính là nguyên nhân gây nên tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng hoặc ngộ độc cấp tính.
Trong nội dung bài viết ở trên, Đồng Thành Công đã cùng bạn đọc tìm hiểu chi tiết về dấu hiệu của cây bị ngộ độc NPK cũng như những cách khắc phục kịp thời để cây trồng sớm hồi phục. Còn muốn tìm hiểu thêm về thông tin về các kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây thì bạn đọc hãy xem ngay tại trang Đồng Thành Công nhé.
Bài viết liên quan
Danh sách cây cảnh tặng khai trương may mắn, hồng phát
Tổng hợp những cây hoa màu xanh dương đẹp, thơm ngát
Cách trồng dứa mật đúng quy trình và hiệu quả nhất
Top những loại cây trúc cảnh đẹp hút hồn mà bạn nên biết
Tư vấn các cách diệt kiến trong đất trồng cây hiệu quả
Phân hỗn hợp là gì? Tác dụng ưu việt đối với cây trồng